1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Giảm số ca mắc mới HIV, Việt Nam hướng tới mục tiêu "90 thứ Tư"

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), dịch HIV/AIDS hiện có từ 10.000-12.000 ca mỗi năm, còn 1/3 so với những năm đỉnh điểm dịch.

Thông tin trên được PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết tại hội thảo "Đạt mục tiêu "90 thứ Tư" - Chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho người có H (người có HIV) và các nhóm đích ở Việt Nam", diễn ra trong 2 ngày 7-8/5 tại Ninh Bình, do Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với Tổ chức BIDMC và Mạng lưới Người sống với HIV/AIDS tại Việt Nam, CDC Hoa Kỳ tổ chức.

Theo lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, công tác chăm sóc và điều trị HIV của Việt Nam đã được công nhận là một mô hình thành công trên toàn cầu.

Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ ức chế virus là 98,5%, cao trong khu vực và đã có những thành tựu đáng kể trong việc đạt được mục tiêu 90-90-90, tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Giảm số ca mắc mới HIV, Việt Nam hướng tới mục tiêu 90 thứ Tư - 1

Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS đánh giá, với những nỗ lực, chúng ta có quyền hướng tới mục tiêu "90 thứ Tư" (Ảnh: Hồng Hải).

Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống ở người có H, hướng tới đạt mục tiêu "90 thứ Tư" cho những người có H.

Theo PGS Hương, mục tiêu "90 thứ Tư" đánh dấu một sự thay đổi mang tính chiến lược trong cách tiếp cận của Việt Nam đối với chăm sóc và điều trị HIV, lấy người có H làm trung tâm.

Ngoài việc đạt được và duy trì tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (K=K), người có H cần được hỗ trợ toàn diện để đảm bảo cuộc sống về mặt thể chất, tinh thần và xã hội.

"Bằng cách lồng ghép mục tiêu "90 thứ Tư" vào các chiến lược tiếp cận, chúng ta không chỉ đảm bảo người có H và cộng đồng của mình được chăm sóc và điều trị hiệu quả, mà còn giúp tăng cường chất lượng cuộc sống của họ. Với những nỗ lực hiện tại, chúng ta có quyền hướng tới mục tiêu "90 thứ Tư".

Theo PGS Hương, là người làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS 28 năm, bà luôn trăn trở, làm sao để  tăng chất lượng sống và hạnh phúc cho người có H. Người có H không chỉ được chăm sóc về y tế, được tiếp cận thuốc điều trị, mà hướng tới họ tự tin, hạnh phúc với cuộc sống của mình.

"Hiện nay, người có H được điều trị, sức khỏe ổn định, thậm chí có tuổi thọ như người bình thường, nhưng họ có hạnh phúc không? Đa số ca mắc HIV thường đồng nhiễm một số bệnh như viêm gan B, C... làm sao để họ đi khám, tiếp cận những dịch vụ này mà không lo ngại, liệu mình có bị hỏi về căn bệnh HIV đang mang. 

Khi họ vẫn lo lắng, là họ vẫn chưa thể hạnh phúc, chưa hài lòng với cuộc sống của mình. Cần hướng tới để người có H có thể tự tin tham gia vào tất cả mọi hoạt động như người bình thường mà không bị kỳ thị", PGS Hương nói.

Tại sự kiện, ông Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, mục tiêu "90 thứ Tư" xuất hiện sau mục tiêu 90-90-90.

Giảm số ca mắc mới HIV, Việt Nam hướng tới mục tiêu 90 thứ Tư - 2

Eric Dziuban nhấn mạnh, CDC Hoa Kỳ cam kết giúp Việt Nam đạt được mục tiêu "90 thứ Tư" (Ảnh: Hồng Hải).

"Đây là những mục tiêu chính cho các hoạt động ứng phó với HIV của quốc gia nhằm đạt được 90% số người có H biết được tình trạng nhiễm của mình. Cùng với đó, 90% người có H nhận được điều trị, và "90 thứ Ba" là 90% trong số họ đạt được mức tải lượng virus HIV dưới ngưỡng phát hiện. "90 thứ Tư" là mục tiêu sau khi đạt tải lượng virus dưới ngưỡng xác định, người có H nên có một chất lượng cuộc sống và phúc lợi tốt", ông Eric Dziuban nói.

Ông Eric Dziuban nhấn mạnh, CDC Hoa Kỳ cam kết giúp Việt Nam đạt được mục tiêu "90 thứ Tư".

Giảm số ca mắc mới HIV, Việt Nam hướng tới mục tiêu 90 thứ Tư - 3

Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: T.A).

Theo lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ kiến thức khoa học về khái niệm "90 thứ Tư". Đây cũng là dấu mốc quan trọng, với việc các bên liên quan cùng tham gia nỗ lực hành động, đồng hành với người có H và cộng đồng nhóm đích thực hiện mục tiêu "90 thứ Tư".

PGS Hương đề nghị các đại biểu nghiên cứu, tham mưu về cách thức tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm hỗ trợ nhiều người có H được tiếp cận với các dịch vụ quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh đồng nhiễm một cách hiệu quả; thảo luận về các chỉ số cần thiết về "90 thứ Tư" và cách thức thực hiện, thực hành để thu thập các chỉ số đánh giá này; cập nhật thông tin về bộ tài liệu hỗ trợ tư vấn K=K và áp dụng tại cơ sở y tế khi bộ tài liệu được chia sẻ rộng.